Nhà Đất Thủ Đức › Diễn đàn › Tài chính bất động sản › Nên hiểu thế nào về “Bơm tiền”, và sự liên đới đến thị trường BĐS trong thời gian tới (Phần 2)
- This topic is empty.
-
Người viếtBài viết
-
-
Hồ ThànhQuản lý
Nên hiểu thế nào về “Bơm tiền”, và sự liên đới đến thị trường BĐS trong thời gian tới (Phần 2)
Đầu tiên, người viết xin thứ lỗi trước nếu nội dung sau đây hơi dài dòng, có những vấn đề cần được nói sơ qua, tuy không phức tạp nhưng có thể sẽ lạ lẫm với một số anh chị, một số thuật ngữ, nghiệp vụ chuyên ngành cũng được lược bớt để dễ đọc hơn. Ở phần này, trọng tâm là làm sáng tỏ từ “Bơm tiền”, thống nhất được cách nghĩ sẽ tiện đường cho chúng ta cùng thảo luận.
Giai đoạn dịch bệnh vừa qua, chúng ta hay gặp cụm từ “Gói hỗ trợ từ chính phủ” trong các bản tin, nghìn tỷ này, nghìn tỷ kia, to kinh luôn cơ. Cách đưa tin của báo đài đôi khi dễ tạo cho công chúng cảm giác tiền sắp tràn đầy ra đường. Khi chúng ta nghe thấy những nội dung kiểu như “Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng” cho một chương trình gì đó, suy nghĩ “in tiền nữa hả” lại ẩn hiện trong đầu. Nhưng thật ra, chi tiêu công chỉ là một kênh chuyển tiền từ “tài khoản” của Chính phủ sang tài khoản của các cá nhân, tổ chức thụ hưởng; tài khoản A tăng 1.000 tỷ, nhưng tài khoản B giảm đi 1.000 tỷ, tổng bằng 0. Trong điều kiện bình thường, Chính phủ không tùy tiện in tiền ra để “xài”, mà lấy từ ngân khố. Sau đây là một số khoản chi nghìn tỷ liên quan đến Covid-19.
Để đối phó cấp bách với hậu quả của dịch bệnh, Việt Nam đã đưa ra các Gói hỗ trợ bao gồm giảm thuế và tiền thuê đất trị giá 180.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp; gói an sinh xã hội 62.000 tỷ hỗ trợ người khó khăn, lao động mất việc làm (vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải ngân); hoãn đóng bảo hiểm xã hội 9.500 tỷ; hỗ trợ giá điện 11.000 tỷ; gói hỗ trợ lần 2 trị giá 18.600 tỷ đồng hướng đến bộ phận yếu thế của xã hội cũng đang được đề xuất. Hơn ai hết, những người làm vĩ mô ở bên trên chắc chắn hiểu rõ những thách thức hiện nay. Quyết sách đã được đưa ra rất nhanh, chỉ mong bộ phận thực thi phía dưới có được cái tâm, cái tầm để chung sức tháo gỡ những khó khăn trước mắt.
Thông tin thêm về các khoản chi nằm trong kế hoạch và không thực sự liên quan đến Covid. Sau một thời gian đẩy nhanh tiến độ, tính đến cuối tháng 08/2020, trên 235.500 tỷ đồng vốn đầu tư công đã được giải ngân, đạt trên 43.9% chỉ tiêu. Tuy vẫn rất thất vọng với sự chậm chạp này, nhưng có còn hơn không. Một ngôi trường, một cái chợ, mỗi km đường xây mới đều tạo thêm tài sản, công ăn việc làm và thu nhập cho xã hội. Đầu tư công hiện nay tựa như chiếc khăn bông dành cho người bị lênh đênh trên biển nhiều chục giờ liền vừa được vớt lên, ướt sũng, mất nước, mất thân nhiệt và đói lả. Chiếc khăn không lấp đầy được cái bao tử trống rỗng nhưng giúp cho nạn nhân ấm lại, bớt run để có sức mà húp cháo loãng.
Xin nhấn mạnh, không có câu chuyện kinh dị “Nhà nước đã in thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng ra để chi cho những chương trình trên, chúng ta chuẩn bị bơi trong tiền”, tất cả đều lấy từ ngân sách, từ lượng tiền đang lưu hành; còn ngân sách làm sao để cân đối các khoản chi trên là một chủ đề hoàn toàn khác. Từ “bơm tiền” trong tình huống này cần được hiểu chính xác là việc phân bổ nguồn vốn. “Bơm tiền” ở đây không thể đánh đồng với “bơm thêm tiền”, “in thêm tiền”. Tóm lại, các gói hỗ trợ và đầu tư công thuộc về Chính sách Tài khóa (CSTK), chúng không phải công cụ làm tăng lượng tiền trong lưu thông, mà mục tiêu chính yếu là cân bằng lại một số vấn đề vĩ mô, thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm.
Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm tăng trưởng kinh tế bằng cách đẩy mạnh Chi tiêu công, dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn, Chính phủ buộc phải chọn lựa hoặc tạm ứng từ Ngân hàng Trung ương (NHTW), hoặc đi vay nợ thêm, cả 2 trường hợp đều dẫn đến một kết quả: Tăng cung tiền. Để đánh giá những gói kích thích kinh tế liên quan đến Covid nêu trên có vô tình tác động đến Chính sách Tiền tệ (CSTT) hay không, chúng ta cần chờ số liệu liên quan đến Nợ chính phủ trong thời gian tới. Ngay lúc này, chưa đủ cơ sở để kết luận.
Khác với CSTK tác động vào Tổng cầu, CSTT làm thay đổi Lượng tiền trong lưu thông để hoàn thành các mục tiêu kinh tế. Trong những công cụ của CSTT, có lẽ Lãi suất dễ hiểu và gần gũi với đời sống xã hội hơn cả. Giải thích đơn giản là khi NHTW tăng lãi suất cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) vay để đáp ứng nhu cầu tiền mặt bất thường nào đó, các NHTM vì ngại chi phí vay cao nên sẽ giữ lại “khoản tiền dự phòng” nhiều hơn, đồng nghĩa phần tiền để cho “dân” vay ít đi, từ đó làm giảm cung tiền. Và ngược lại, khi muốn tăng cung tiền kích thích kinh tế, các loại lãi suất “giữa ngân hàng với nhau” được hạ xuống, thông thường là sẽ kèm theo hạ trần lãi suất cho vay trên thị trường “dân dụng”. Lãi suất thấp đương nhiên sẽ kích thích ham muốn vay tiền để chi tiêu, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, câu chuyện Lãi suất không phải lúc nào cũng vậy…
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 5,12%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi đó huy động vốn tăng trưởng 7,7% cao hơn đầu ra. Đáng lưu ý là mặt bằng lãi suất “giữa các ngân hàng với nhau” hiện đang khá thấp sau khi liên tục giảm 3 lần từ đầu năm đến nay, biên độ giảm mỗi lần là 0.5%, khá lớn. Nói cách khác, hệ thống NHTM đang “thừa mứa” tiền, nhu cầu vay của nền kinh tế đang xuống rất thấp. Đấy, đâu phải cứ lãi suất thấp thì lượng tiền gửi giảm đâu, mình thích thì mình gửi thôi. Rồi đâu phải cứ muốn bơm thêm là bơm thêm, in thêm là in thêm đâu ạ. Ứ có nhu cầu thì ứ vay, vay xong cất ở nhà rồi lấy đó trả lãi từ từ sao?
Có một số nguyên nhân của tình trạng thừa tiền trong hệ thống NHTM hiện nay như thu nhập giảm sút nên người ta thắt chặt chi tiêu, hạn chế vay (tiền đâu mà trả?); văn hóa để dành bằng những khoản tiết kiệm, mua vàng cất đi cũng giúp rất nhiều người gồng được thời gian qua; kinh tế ngưng trệ nên mặc dù rất khó khăn trong thanh khoản, doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay sở, chọn lựa cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất chứ không muốn vay thêm vì không tạo được doanh thu; kênh BĐS hấp thụ vốn rất tốt, nhưng mặt bằng giá sau cơn sốt trên 40 độ liên tục mấy năm gây ái ngại cho giới đầu tư trong việc dùng đòn bẩy; khoảng đâu đó trên 20% GDP thuộc về kinh tế phi chính thức, đó là quán bún, tiệm sửa xe, tiệm hớt tóc, chị bán trái cây, anh xe ôm,… dòng tiền vẫn chảy nơi thành phần kinh tế tiền mặt này trong suốt dịch mà không cần tới ngân hàng…
Có thể thấy, nếu điều hành kinh tế vĩ mô mà chỉ đơn giản là tăng giảm chi tiêu công, tăng giảm lãi suất, bơm vá tiền các kiểu, vân vân rồi mây mây sẽ giải quyết được tất, có lẽ thế giới của chúng ta đâu có rối loạn dữ thần ôn như hiện nay.
Đại dịch là thách thức khủng khiếp, nhưng nó cũng tạo ra một cơ hội cực lớn cho Việt Nam. Covid đã khoét sâu thêm những bất đồng giữa Trung Quốc với các nước Tư bản phương Tây, cùng các cường quốc ở Đông Bắc Á. Xu hướng dịch chuyển bớt nhà máy ra khỏi công xưởng của thế giới là không thể đảo ngược, kèm theo đó là những hứa hẹn về chuyển giao công nghệ. Vốn dĩ đã có nhiều lợi thế, giờ cộng thêm kết quả kiểm soát dịch bệnh rất rốt được công nhận toàn cầu, Việt Nam nếu tận dụng tốt cơ hội quá lớn và hiếm hoi này, sáng suốt “Bơm tiền” thật hợp lý và hiệu quả để đón làn sóng vốn ngoại mới, đà phục hồi chắc chắn sẽ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới.
Thế nào là “Bơm tiền hợp lý”? Song kiếm CSTK và CSTT nên kết hợp ra sao? Bất động sản sẽ nổi sóng ở phân khúc nào? Rất mong đợi ý kiến thảo luận của cả nhà cho 3 câu hỏi này. Phần cuối hiện vẫn đang có nội dung mở, một cái kết mở, là sản phẩm trí tuệ của tất cả chúng ta trên diễn đàn này, còn Duy chỉ là người may mắn được ngồi tổng hợp lại. Cảm ơn thời gian của chúng ta đối với chủ đề này.
(Cơ mà nếu không ai “thèm” bàn thì cũng cố gắng viết tiếp để hầu chuyện cả nhà thôi ạ).
Các chủ đề hay được nhiều người xem nhất:
-
-
Người viếtBài viết